BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH HUYỆN NHÀ BÈ TPHCM & THÔNG TIN QUY HOẠCH MỚI NHẤT

Một số thông tin cơ bản về huyện Nhà Bè TPHCM

Thời phong kiến:

Vào mùa xuân năm 1698, Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh được Võ Vương Nguyễn Phúc Chu cử vào Nam kinh lược. Từ thời điểm này, các thôn ấp ở Nhà Bè chính thức trở thành đơn vị hành chính thuộc huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn[3].

“Lấy đất Đồng Nai đặt làm phủ Gia Định…, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”

Vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, tên gọi Nhà Bè xuất hiện, khi công cuộc khẩn hoang được các chúa Nguyễn đẩy mạnh với quy mô lớn. Nhiều cư dân từ ngoại thành xuôi thuyền tới sông Soài Rạp gặp dòng nước ngược, nên đã kết bè trên sông, làm nơi nấu nướng, sinh hoạt cho cả đoàn thuyền. Vì thuyền chật hẹp và nấu nướng khó khăn, nên người tên Võ Thũ Hoằng[4] đã nảy ra ý tưởng để đốn tre kết làm bè neo trên sông, làm nơi nấu nướng, sinh hoạt cho cả đoàn thuyền. Sau đó, nhiều người cũng kết thành hai ba chục chiếc bè để buôn bán, trao đổi hàng hoá. Khu vực sông này ngày càng tấp nập đông vui và địa danh Nhà Bè được ra đời.

“Lúc ấy dân cư thưa thớt lại xa xôi, đò xa thuyền nhỏ, hành khách thường khổ sở về chuyện ăn uống. Có người nhà giàu ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng bó tre làm bè, dựng nhà, sắm đủ đồ dùng nấu nướng để hành khách tự ý lấy dùng, không phải trả tiền. Sau đó, người buôn bán cũng đóng bè, bán thức ăn, nhiều đến hai ba chục bè. Họp thành chợ sông, vì thế chỗ này gọi là Nhà Bè… ”

Năm 1808, vua Gia Long đổi dinh Phiên Trấn thành Trấn Phiên An, quản trị phủ Tân Bình gồm 4 huyện. Các thôn xã thuộc khu vực Nhà Bè lúc này trực thuộc tổng Tân Phong và tổng Bình Trị thuộc 2 huyện Tân Long và Bình Dương.

Năm 1836, đổi tên trấn Phiên An thành tỉnh Phiên An, và cải thành tỉnh Gia Định. Thời điểm này các thôn xã thuộc khu vực Nhà Bè nằm trong tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, và tổng Tân Phong Hạ thuộc huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.

Thời Pháp thuộc:

Ngày 5 tháng 6 năm 1882, sau hiệp ước Nhâm Tuất, Pháp tổ chức cai trị 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Khi đó, cấu trúc hành chính vẫn được giữ nguyên. Sau đó, năm 1866, Pháp sáp nhập hai huyện Bình Dương và Bình Long thành hạt Sài Gòn, và đổi tên thành hạt Gia Định gồm 19 tổng. Trong đó, tổng Bình Trị Hạ gồm 9 làng và tổng Dương Hòa Hạ gồm 12 làng thuộc địa phận huyện Nhà Bè ngày nay[3].

Ngày 18 tháng 12 năm 1872, thực dân Pháp thành lập tổng Cần Giờ gồm 05 làng, từ phần đất được cắt ra từ hai tổng: Bình Trị Trung và Bình Trị Hạ thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định trong thời Nhà Nguyễn độc lập.

Ngày 28 tháng 2 năm 1875, thành lập thêm tổng An Thít do chia tách từ tổng Cần Giờ.

Tỉnh Gia Định từ ngày 1 tháng 1 năm 1911 được chia thành 4 quận: Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp và Nhà Bè. Quận Nhà Bè có bốn tổng: Bình Trị Hạ, Dương Hòa Hạ, An Thít (còn gọi là An Thịt) và Cần Giờ. Trong đó, hai tổng Bình Trị Hạ và Dương Hòa Hạ tương đương với địa bàn huyện Nhà Bè ngày nay.

Ngày 3 tháng 5 năm 1947, hai tổng: Cần Giờ và An Thít của quận Nhà Bè tách ra khỏi tỉnh Gia Định, chuyển sang thuộc tỉnh Vũng Tàu, thành lập quận Cần Giờ thuộc tỉnh Vũng Tàu (đến năm 1952 tỉnh này đổi thành thị xã Vũng Tàu). Quận Cần Giờ gồm 2 tổng: Cần Giờ và An Thít.

Thời Việt Nam Cộng hòa:

Năm 1955, quận Nhà Bè có 11 làng:

Tổng Bình Trị Hạ gồm 05 làng: Phú Mỹ Tây, Phú Xuân Hội, Phước Long Đông, Tân Quy Đông và Tân Thuận Đông

Tổng Dương Hòa Hạ gồm 06 làng: Long Kiểng, Phước Lộc Thôn, Nhơn Đức, Long Đức, Hiệp Phước và Phú Lễ.

Sau năm 1956, các làng được gọi là xã. Quận lỵ Nhà Bè đặt tại xã Phú Xuân Hội.

Ngày 24 tháng 4 năm 1957, chính quyền cắt bốn xã: Long Đức, Nhơn Đức, Hiệp Phước và Phú Lễ của tổng Dương Hòa Hạ, quận Nhà Bè chuyển sang thuộc quận Cần Giuộc, tỉnh Long An. Riêng hai xã Long Kiểng và Phước Lộc Thôn của tổng này được nhập vào tổng Bình Trị Hạ, quận Nhà Bè. Quận Nhà Bè còn 01 tổng là Bình Trị Hạ với 07 xã.

Ngày 31 tháng 8 năm 1961, hai xã Long Đức và Nhơn Đức thuộc tổng Dương Hòa Hạ, quận Cần Giuộc, tỉnh Long An trả lại cho quận Nhà Bè (được nhập vào tổng Bình Trị Hạ). Như thế, quận này có 09 xã.

Sau nhiều lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính, đến cuối năm 1962, quận Nhà Bè chỉ còn một tổng là Bình Trị Hạ. Từ năm 1962, chính quyền dần bỏ và đến năm 1965, bỏ hẳn cấp hành chính của tổng, các xã trực tiếp thuộc quận.

Cho đến ngày 29 tháng 4 năm 1975, quận Nhà Bè có 09 xã trực thuộc: Phú Mỹ Tây, Phú Xuân Hội, Phước Long Đông, Tân Quy Đông, Tân Thuận Đông, Long Kiểng, Phước Lộc Thôn, Nhơn Đức, Long Đức.

Từ năm 1975 đến nay:

Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp quản Đô thành Sài Gòn và các vùng lân cận vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày 3 tháng 5 năm 1975 thành phố Sài Gòn – Gia Định được thành lập. Theo nghị quyết ngày 9 tháng 5 năm 1975 của Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam thành phố Sài Gòn – Gia Định, huyện Nhà Bè được thành lập, bao gồm cả xã Hiệp Phước thuộc quận Cần Giuộc, tỉnh Long An thời Việt Nam Cộng hòa.

Vào ngày 20 tháng 5 năm 1976, tổ chức hành chánh thành phố Sài Gòn – Gia Định được sắp xếp lần hai (theo quyết định số 301/UB ngày 20 tháng 5 năm 1976 của Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố Sài Gòn – Gia Định). Theo đó, tỉnh Nhà Bè vẫn giữ nguyên huyện Nhà Bè cũ từ năm 1975.

Vào ngày 2 tháng 7 năm 1976, trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VI, thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Huyện Nhà Bè trở thành huyện trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau năm 1975, huyện Nhà Bè đã nhận thêm xã Hiệp Phước từ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; sát nhập hai xã Phước Long Đông và Long Kiểng với nhau, lập thành xã Phước Kiển; đổi tên xã Phú Mỹ Tây thành Phú Mỹ, xã Phú Xuân Hội thành Phú Xuân, xã Tân Quy Đông thành Tân Quy, xã Tân Thuận Đông thành Tân Thuận, xã Phước Lộc Thôn thành Phước Lộc, và xã Long Đức thành Long Thới. Như thế, huyện Nhà Bè có tổng cộng 9 xã: Phú Mỹ, Phú Xuân, Phước Kiển, Tân Quy, Tân Thuận, Hiệp Phước, Phước Lộc, Nhơn Đức, Long Thới.

Ngày 17 tháng 7 năm 1986, huyện Nhà Bè tiến hành chia xã Tân Quy thành hai xã: Tân Quy Đông và Tân Quy Tây; chia xã Tân Thuận thành hai xã: Tân Thuận Đông và Tân Thuận Tây; và thành lập thị trấn Nhà Bè từ phần đất cắt ra của các xã Phú Xuân và Phú Mỹ[5].

Từ đó đến đầu năm 1997, huyện Nhà Bè có thị trấn Nhà Bè và 11 xã: Tân Quy Đông, Tân Quy Tây, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Phú Mỹ, Phú Xuân, Long Thới, Nhơn Đức, Phước Kiển, Hiệp Phước, và Phước Lộc.

Thông tin quy hoạch huyện Nhà Bè

Related Posts